Nếu như trước giờ bạn đều nghĩ rằng công việc dọn dẹp (như dọn sân vườn, cọ rửa sàn nhà, vệ sinh bếp núc, sắp xếp đồ vật…) là những công việc lao động tay chân giản đơn mà ai cũng có thể làm được, thì ngay bây giờ bạn hãy suy nghĩ lại. Bởi chúng ta thường đánh giá thấp những việc làm chân tay và luôn nói về cái “vĩ mô”.
Hãy đọc thêm về tác phẩm “Dọn nhà dọn cửa gột rửa trái tim” của Thiền sư Shoukei Matsumoto để bạn thấy mỗi một công việc đều có một ý nghĩa riêng, chúng ta làm những việc lớn bắt đầu từ những thói quen nho nhỏ trong cuộc sống. Và xã hội càng phát triển, chúng ta càng mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống hơn, sống trọn vẹn với bản thân hơn và chắc chắn là hạnh phúc hơn.
Người không coi trọng đồ vật thường sẽ không tôn trọng người khác, ngôi nhà là trung tâm tạo nên sức sống của một gia đình, hãy giữ gìn sự sạch sẽ cho ngôi nhà.
Thứ tạo ra cơ thể là ăn uống, vậy nên ăn uống qua loa cũng chính là đang tạo ra một cơ thể qua loa, thói quen dọn dẹp qua loa sẽ tạo nên thói quen làm các việc khác cũng qua loa.
Những vật nên có, sẽ phải có, ở những nơi mà chúng nên ở. Vì vậy, chỉ chọn ra những vật cần thiết nhất và khiến ta cảm thấy thoải mái nhất khi ở chung với nó.
Nếu chúng ta không chăm sóc cho ngôi nhà của mình, làm thế nào để chăm sóc cho một tổ ấm?
Yếu tố cơ bản trong đón tiếp, trước hết bắt đầu bằng dọn dẹp và chuẩn bị một ngôi nhà sạch và thơm.Môi trường sống không chỉ là sự hiện diện vật lý cho những nhu cầu của bạn mà còn là sự phản ánh mức độ bình ổn của tâm trí, của khả năng sắp xếp cuộc sống hài hòa và lành mạnh. Khi không gian sống thay đổi trở nên sạch đẹp hơn, cuộc sống của bạn cũng sẽ được biến chuyển theo hướng tích cực. Theo Marie Kondo: “Việc dọn dẹp chỉ là một công cụ chứ không phải đích đến”. Mục đích đạt được cuối cùng chính là một lối sống lành mạnh giúp cho môi trường sinh hoạt của bạn luôn ngăn nắp, nơi cho phép bạn thực hiện được mọi điều mình muốn.